Các biện pháp bảo vệ cây trồng chống lại sâu hại và đặc biệt là bệnh hại là cần thiết để bảo vệ mùa màng, năng suất và chất lượng hạt lúa mì. Lúa mì dễ mắc hơn 30 bệnh do nấm, virus và vi khuẩn gây ra. Sự hiện diện của mầm bệnh trong một khu vực, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ phát tán mầm bệnh có thể khác nhau đáng kể. Đối với tất cả các loại lúa mì (mùa đông, mùa xuân và lúa mì cứng), mùa xuân là mùa “nóng” của hầu hết các loại sâu bệnh hại, đồng thời cũng có một số nguy cơ lây nhiễm trong nửa đầu mùa thu.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của sâu bệnh hại, nông dân cần chú ý những điều sau:

Đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa: Đây là điều quan trọng hàng đầu, đặc biệt là đối với vi khuẩn và virus. 

  • Sử dụng các giống kháng hoặc chống chịu sâu bệnh. Ngày nay, có nhiều giống lúa mì có khả năng kháng một hoặc nhiều bệnh hại chủ chốt và có khả năng chống chịu nhiều loại sâu hại. Ưu tiên sử dụng các giống có khả năng kháng các biến thể của mầm bệnh phổ biến trong khu vực của bạn.
  • Sử dụng hạt giống khỏe mạnh (không sâu bệnh), sạch và được chứng nhận.
  • Việc áp dụng các phương pháp xử lý hạt giống (thuốc diệt nấm) nên được chọn trong một số trường hợp – hỏi ý kiến cán bộ nông nghiêp tại địa phương. 
  • Điều chỉnh thời điểm gieo hạt.
  • Luân canh cây trồng, lý tưởng nhất là với các loài cây trồng có “sâu bệnh hại” khác nhau hoặc có khả năng chống lại các loại sâu bệnh chủ chốt . Điều này sẽ làm giảm quần thể bệnh và tải lượng ban đầu của mầm bệnh (tác nhân gây bệnh).
  • Giữ cho cánh đồng sạch cỏ dại và xử lý tàn dư thực vật đúng cách. Cỏ dại và tàn dư thực vật có thể đóng vai trò là trung gian lây bệnh và giữ sâu hại, đồng thời giúp một số mầm bệnh và sâu bệnh tồn tại qua mùa đông.
  • Giữ cho cây khỏe mạnh, tươi tốt. Nếu có thể, tránh bất kỳ áp lực nào về nước và thiếu hụt chất dinh dưỡng.
  • Thăm ruộng thường xuyên, đặc biệt là trong những giai đoạn mà điều kiện môi trường thuận lợi cho sự lây nhiễm và phát tán mầm bệnh (độ ẩm cao, nhiệt độ ôn hòa, v.v.).
  • Biết đặc điểm sinh lý của “sâu bệnh hại”, các điều kiện môi trường thuận lợi cho sự phát triển cũng như cách thức và nhịp độ phát tán của chúng..

Trong trường hợp đã từng có một loại dịch hại hoặc mầm bệnh cụ thể, cần có các biện pháp ngăn chặn hoặc/và kiểm soát phù hợp. Điều này có thể cần thiết nhất đối với các bệnh do nấm và côn trùng sống trong đất. Nấm và côn trùng gây hại cho cây thường có khả năng phát tán cao. Do đó, nông dân có thể cần phải can thiệp khi quan sát thấy các triệu chứng đáng ngờ hoặc thấy quần thể côn trùng lớn ở các cánh đồng (lúa mì) lân cận. Tham khảo ý kiến của cán bộ nông nghiệp tại địa phương. 

  • Hành động nhanh chóng và chính xác. Nhận biết bệnh (mầm bệnh) ở giai đoạn đầu có thể giúp bạn chọn đúng sản phẩm (biện pháp kiểm soát) và hạn chế sự phát tán sâu bệnh cũng như tổn thất năng suất với việc sử dụng hóa chất ở mức tối thiểu. Nếu cần, gửi mẫu bệnh để phân tích.
  • Có kế hoạch kiểm soát nấm trong suốt mùa vụ. Nói chung, thuốc diệt nấm có hiệu quả hơn khi được dùng để phòng ngừa. Cần lặp lại việc phun thuốc nấm và có thể kéo dài nếu cần thiết.
  • Cần biết mầm bệnh hoặc loài gây hại nào trong khu vực của bạn đã phát triển tính kháng thuốc với các thuốc đặc hiệu.  

Các bệnh quan trọng và phổ biến ở cây lúa mì

Hầu hết người trồng lúa mì đều đầu tư vào việc bảo vệ cây trồng trong mùa xuân (tháng 5) khi cây bước vào giai đoạn sinh sản. Bệnh trên lá là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với năng suất cây trồng. Các bệnh trên lá đầu mùa phổ biến nhất là bệnh phấn trắng và bệnh đốm lá Septoria.

Bệnh phấn trắng (sương mai)

Nấm Blumeria graminis f. sp tritici gây nên bệnh và có thể làm giảm năng suất lúa mì tới 25%. Mầm bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết mát mẻ (10-20 oC/ 59-72 oF) và ẩm ướt (độ ẩm trên 85%)  (1).

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện dưới dạng những đốm vàng trên lá, sau đó được bao phủ bởi lớp bột trắng mịn. Các triệu chứng thường bắt đầu từ các lá phía dưới và tiến dần lên phía trên (đôi khi ở thân và ngọn).

Bệnh khó kiểm soát khi nó đã xuất hiện trên cây trồng. Các kế hoạch kiểm soát bệnh bao gồm:

  • Sử dụng các giống kháng bệnh.
  • Loại bỏ lúa mì dại và các cây ký chủ khác.
  • Luân canh cây trồng.
  • Sử dụng phân bón Nitơ thận trọng.
  • Sử dụng chất xử lý hạt giống và thuốc diệt nấm trên lá (2).

Thông thường, phun thuốc diệt nấm vào thời điểm làm đòng hoặc khi bệnh xuất hiện trên lá cờ (3). Nên tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp tại địa phương. 

Bệnh đốm/vằn lá Septoria

Nấm Septoria là một vấn đề lớn đối với cây lúa mì ở nhiều khu vực. Trong trường hợp nhiễm bệnh nặng do Septoria tritici (Mycosphaerella graminicola), năng suất có thể bị giảm 50%.

Triệu chứng phổ biến nhất xuất hiện vào đầu mùa đông là những đốm vết bệnh màu vàng kéo dài trên lá. Ở vùng tổn thương, xuất hiện các chấm đen nhỏ (quả thể) và khi nấm bệnh tiến triển, mô lá sẽ bị hoại tử trong khi nhánh cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các giống kháng bệnh là biện pháp bảo vệ chính chống lại Septoria. Gieo hạt muộn cũng có ích. Việc sử dụng thuốc diệt nấm thường có hiệu quả trong giai đoạn đầu của bệnh và giới hạn bệnh ở các lá phía dưới của cây (hạn chế lây lan). Tránh sử dụng lượng lớn sản phẩm hóa học vì mầm bệnh có thể phát triển sức đề kháng nhanh chóng. Sức đề kháng của Septoria với strobilurin ngày nay đã lan rộng trên toàn cầu (4). 

Bệnh gỉ sắt

Có 3 loài Puccinia chính có thể ảnh hưởng đến cây lúa mì:

  • Nâu (lá) do Puccinia recondite
  • Đen (thân) do Puccinia graminis f.sp. tritici
  • Sọc vàng (lá, cổ và lá bắc) do Puccinia striiformis

Các mầm bệnh có thể tồn tại qua mùa đông không quá khắc nghiệt và biểu hiện triệu chứng trầm trọng hơn vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa xuân hoặc sau khi trổ cờ (P. striiformis). Lúa mì nhiễm bệnh nặng có thể giảm năng suất đáng kể, giảm chất lượng hạt và thậm chí mất mùa.

Biểu hiện bệnh là hình thành các vết hoại tử màu vàng trên bộ phận cây bị nhiễm bệnh với các chấm màu từ vàng đến cam hoặc nâu đỏ sẫm (tương tự bào tử nấm bệnh rỉ sét vào mùa hè).

Một trong những biện pháp kiểm soát nấm bệnh, cán bộ nông nghiệp có thể đề xuất sử dụng các giống lúa mì kháng một hoặc nhiều loài Puccinia. Ngoài ra, việc kiểm soát lúa mì mọc dại trong mùa thu, sử dụng hạt giống đã được xử lý, gieo hạt đúng thời điểm và phun thuốc diệt nấm lên lá cũng có hiệu quả (tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp tại địa phương). Việc bảo vệ cây trồng tốt nhất đạt được bằng cách kết hợp tất cả các biện pháp trên (51).

Bệnh bạc đầu (rụi bông) do Fusarium  

Bệnh do nấm Fusarium graminearum (Gibberella zeae) gây ra là bệnh trên lúa mì thảm khốc nhất trên toàn cầu, với năng suất giảm hơn 50%.

Nấm lây nhiễm vào ngọn cây lúa mì trong giai đoạn ra hoa và tạo ra độc tố nấm mốc nguy hiểm (vomitoxin). Bông lúa mì bị nhiễm bệnh bị bạc màu và hạt bị đổi màu, teo lại, nhăn nheo và giảm trọng lượng. Các loại ngũ cốc dùng để sản xuất bột mì (thực phẩm) phải có lượng vomitoxin thấp hơn 2 ppm (6). 

Mặc dù thu hoạch sớm hơn có thể làm giảm số lượng hạt bị nhiễm bệnh, mức độ độc tố sẽ thấp hơn khi hạt được thu hoạch ở độ ẩm 13–15% (Simón và cộng sự, 2021). Mặc dù một số loại thuốc diệt nấm có thể kiểm soát bệnh bạc đầu một cách hiệu quả nhưng việc sử dụng thuốc thường không đủ để kiểm soát bệnh. Việc sử dụng kịp thời thuốc diệt nấm kết hợp với sử dụng giống kháng bệnh, xử lý tàn dư thực vật và luân canh cây trồng được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tốt nhất (7). 

Bệnh than

Đây là một bệnh lây truyền qua hạt giống và phổ biến ở những vùng mà nông dân thường trao đổi hạt giống với nhau. Thiệt hại năng suất tương đối thấp, nhưng có thể lên tới 30% trong trường hợp nhiễm bệnh nặng.

Ở bông lúa mì bị nhiễm bệnh, hoa và hạt được thay thế bằng hàng loạt bào tử đen dễ bị thổi bay, để lại bông trơ trụi.

Biện pháp phòng trừ tốt nhất là sử dụng giống kháng bệnh và sạch bệnh được bón kèm thuốc diệt nấm kết hợp với nấm sinh học (Trichoderma viride– 4 gm/kg hạt). T.viride cũng có thể cải thiện sức sống ban đầu của cây trồng và việc xử lý hạt giống nên được thực hiện trước khi gieo hạt 72 giờ, sau đó dùng thuốc diệt nấm trước khi gieo hạt 24 giờ. Các biện pháp nêu trên cũng kiểm soát bệnh đốm đen trên lá cờ một cách hiệu quả (3)Nên tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp tại địa phương. 

Bệnh thối cổ rễ

Đây là một vấn đề quan trọng ở những cánh đồng lúa mì mùa đông, đặc biệt là ở các vùng phía bắc và phổ biến hơn trên đất sét. Bệnh thường do nấm Fusarium pseudograminearum gây ra

Nông dân cần kiểm tra phần gốc của thân lúa (từ 2-4 đốt tính từ gốc) để tìm màu nâu đặc trưng của bệnh. Bệnh có thể gây ra hiện tượng “trắng bông” (đầu bông bị lép và trắng). Cây bị nhiễm bệnh sẽ yếu, dễ đổ và có thể nhổ lên dễ dàng.

Về phương pháp kiểm soát bệnh, cán bộ nông nghiệp khuyên gieo hạt sớm (lúa mì vụ đông), luân canh, quản lý tàn dư thực vật, cung cấp đủ kẽm và sử dụng các giống lúa mì kháng bệnh (8).

Bệnh bạc lá (vảy trấu đen) do vi khuẩn

Bệnh do Xanthomonas campestris pv. translucens (Xanthomonas translucens pv.undulosa) gây ra và phổ biến hơn khi thời tiết ấm áp, ẩm ướt và ở những cây có mô lá bị tổn thương. Thiệt hại về năng suất thường không nghiêm trọng nhưng có thể lên tới 40% trong trường hợp nghiêm trọng. Mầm bệnh phát triển tối ưu ở nhiệt độ trên 25 oC (78 oF) (9).

Đặc điểm của bệnh là xuất hiện lẻ tẻ trên một vùng ruộng (triệu chứng xuất hiện theo từng khu vực). Các tổn thương dạng vết sũng nước xuất hiện trên lá bị bệnh, trong những trường hợp nhiễm bệnh nặng, có thể thấy triệu chứng vảy đen xuất hiện trên vỏ trấu. 

Tất cả các loại ngũ cốc hạt nhỏ và cỏ đều là ký chủ mang mầm bệnh và cần tránh sử dụng trong hệ thống luân canh cây trồng. Rất ít thuốc diệt khuẩn (gốc đồng) sẵn có. Các biện pháp hiệu quả nhất là sử dụng các giống kháng bệnh và hạt giống khỏe mạnh cũng như quản lý tàn dư thực vật và cỏ dại.

Cuối cùng, không có biện pháp nào kiểm soát được bệnh do virus. Do đó, các biện pháp phòng ngừa là lựa chọn duy nhất của người nông dân. Biện pháp hiệu quả nhất là sử dụng các giống kháng bệnh và kiểm soát cây lúa mì mọc dại cũng như côn trùng có thể lây truyền virus. Trong khi một số bệnh do virus ảnh hưởng đến lúa mì, bệnh lùn vàng lúa mạch và bệnh khảm sọc lúa mì được coi là bệnh quan trọng nhất.

Các loài gây hại phổ biến và quan trọng trên cây lúa mì

Côn trùng thường không phải là vấn đề lớn đối với cây lúa mì. Mức độ nghiêm trọng của sự phá hoại có thể thay đổi theo từng năm, giữa các vùng địa lý khác nhau và có thể bị ảnh hưởng bởi các loài cây trồng trên cánh đồng. Việc độc canh lúa mì hoặc chỉ các loại ngũ cốc hạt nhỏ có thể làm gia tăng số lượng và mức độ nguy hiểm của các quần thể côn trùng gây hại trên lúa mì. Trong số các loại sâu hại phổ biến và quan trọng trên lúa mì có thể kể đến rệp vừng, ruồi đen Hessian, côn trùng cánh màng, bọ trĩ, rệp lá, sâu đục thân, sâu keo, bọ cánh cứng ăn lá ngũ cốc, các loài Helicoverpa và bét cây. Nút rễ chứa tuyến trùng (Meloidogyne spp.) với mật độ cao cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho tất cả các loại lúa mì.

Ruồi đen Hessian, Mayetiola destructor

Nó được coi là một trong những loài gây hại có sức tàn phá mạnh nhất đối với lúa mì và quần thể của nó đã được báo cáo ở hầu hết các khu vực canh tác (lúa mì mùa đông, mùa xuân và lúa mì durum). Sự tàn phá nghiêm trọng đã được báo cáo ở Bắc Phi và Hoa Kỳ (các bang Trung Tây). Tổn thất do hoạt động của côn trùng kéo dài hơn vào thời điểm bắt đầu mùa thu (10). Con trưởng thành trông giống như những con muỗi nhỏ. 

Thiệt hại ở cây là do ấu trùng ăn ở bẹ lá gần đốt. Khi lúa mì bị tấn công ở giai đoạn đang nảy mầm, cây có thể bị chết. Nếu bị tấn công sau khi đẻ nhánh, cây sẽ yếu đi, sự phát triển của lóng thân bị ảnh hưởng và bị gãy khi gần thu hoạch (11). 

Để giảm thiểu rủi ro, có thể chọn gieo hạt sau thời điểm không còn ruồi đen Hessian (bắt đầu tháng 10 đối với Bắc bán cầu, thời điểm này có thể khác nhau với từng quốc gia 12). Ở những khu vực mà Ruồi đen Hessian gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho lúa mì, nên tránh các hệ thống canh tác không làm đất và nên kiểm soát các cây lúa mì mọc dại. Trong suốt mùa xuân, nông dân cần rà soát cánh đồng của mình để tìm kén (dạng sống sót qua mùa đông của côn trùng = nhộng), ước tính quần thể của chúng và quyết định xem có cần kiểm soát bằng hóa chất ngay lập tức hay không. Có một số phương pháp xử lý hạt giống và thuốc trừ sâu trên lá được cấp phép cho loài côn trùng gây hại này. Tuy nhiên, do hiệu quả của mỗi biện pháp chỉ ở mức trung bình nên nên cần sử dụng kết hợp với các biện pháp quản lý cây trồng khác. Luân canh cây trồng và thận trọng khi bón phân đạm có thể giúp kiểm soát tình hình. 

Thông tin, lịch sử và giá trị dinh dưỡng của lúa mì

Những nguyên tắc lựa chọn giống lúa mì tốt nhất

Chuẩn bị đất , yêu cầu về đất và yêu cầu về gieo hạt lúa mì

Yêu cầu và phương pháp tưới lúa mì

Yêu cầu phân bón của lúa mì

Sâu hại và bệnh hại trên cây lúa mì

Năng suất – Thu hoạch – Bảo quản lúa mì

Kiểm soát cỏ dại trong canh tác lúa mì

 

Người giới thiệu:

  1. https://www.canr.msu.edu/wheat/uploads/files/Wheat-101-report-2021-final%20-%20web.pdf
  2. https://www.agric.wa.gov.au/spring/managing-powdery-mildew-wheat
  3. https://iiwbr.icar.gov.in/wp-content/uploads/2018/02/EB-52-Wheat-Cultivation-in-India-Pocket-Guide.pdf
  4. https://ahdb.org.uk/knowledge-library/septoria-tritici-in-winter-wheat
  5. https://agriculture.vic.gov.au/biosecurity/plant-diseases/grain-pulses-and-cereal-diseases/leaf-rust-of-wheat
  6. https://www.canr.msu.edu/wheat/disease/
  7. https://www.udel.edu/academics/colleges/canr/cooperative-extension/fact-sheets/fusarium-head-blight-management-in-wheat/
  8. https://grdc.com.au/resources-and-publications/grownotes/crop-agronomy/northernwheatgrownotes/GrowNote-Wheat-North-09-Diseases.pdf
  9. https://wheat.pw.usda.gov/ggpages/wheatpests.html#common
  10. https://ipm.ca.uky.edu/content/hessian-fly-wheat
  11. https://extensionpublications.unl.edu/assets/pdf/g1923.pdf
  12. https://extension.psu.edu/hessian-fly-on-wheat

 

Simón, M. R., Börner, A., & Struik, P. C. (2021). Fungal Wheat Diseases: Etiology, Breeding, and Integrated Management. Frontiers in Plant Science12, 498.

CÁC ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

Chúng tôi kết hợp với các tổ chức phi chính phủ (N.G.O.s), Trường Đại Học và nhiều tổ chức khác để hoàn thành sứ mệnh chung là mang đến khả năng phát triển bền vững và thịnh vượng cho con người.