Năng suất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch lúa mì

Năng suất tiềm năng của lúa mì

Năng suất hạt trên một ha

Mục tiêu của nông dân là có sự chênh lệch ít nhất giữa năng suất thu hoạch sau cùng với năng suất tiềm năng của giống lúa mì được trồng. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch được phụ thuộc vào giống lúa mì, loại đất, nước và chất dinh dưỡng, điều kiện thời tiết, độ dài của mùa vụ, sự thành công của các biện pháp kiểm soát cỏ dại và bảo vệ thực vật, thời điểm và phương pháp thu hoạch. Ví dụ, lúa mì mùa đông, cũng như lúa mì được tưới đủ nước (hoặc mưa), có năng suất cao hơn so với lúa mì mùa xuân (2- 2,5 tấn mỗi ha) và lúa mì không được tưới (He và cộng sự, 2013). Nói chung, năng suất hạt lúa mì có thể dao động từ dưới 1 tấn mỗi ha đến hơn 10 tấn mỗi ha. Hầu hết các khu vực trồng giống lúa mì (mùa đông) tạo ra khoảng 3 đến 7 tấn mỗi ha, với kỷ lục Guinness thế giới ở mức 16,52 tấn mỗi ha (2018, New Zealand).

Năng suất rơm mỗi ha

Lúa mì chủ yếu được trồng để thu hạt. Các thân cây thường vẫn còn trên ruộng sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, một số nông dân cuộn tròn rơm lúa mì và bán chúng làm vật liệu độn lót chuồng trong chăn nuôi để gia tăng thu nhập. Năng suất rơm phụ thuộc vào giống lúa mì, nhiệt độ, lượng nước, loại đất và độ cao của máy gặt đập liên hợp. Nói chung, năng suất rơm có thể dao động từ 1,25 đến 5 tấn rơm khô trên mỗi ha dựa trên các điều kiện thu hoạch, thời tiết và các điều kiện kết hợp khác (1).

Thời điểm thu hoạch lúa mì

Việc thu hoạch lúa mì có thể bắt đầu khi phần ngọn lúa mì có thể cho một mẫu hạt lúa sạch và hạt đạt trọng lượng khô tối đa. Thời điểm này là khi cây trồng đã đạt đến độ chín sinh lý. Từ đó trở đi, cây trồng sẽ không tích lũy năng suất, thân cây chuyển sang màu vàng và độ ẩm của các hạt sẽ bắt đầu giảm xuống dưới 35-40%. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, cần thêm 10-14 ngày để toàn bộ thân khô và độ ẩm của hạt lúa mì giảm xuống dưới 20% để có thể bắt đầu thu hoạch bằng máy (2). Tuy nhiên, hầu hết nông dân không thích thu hoạch vào lúc đó và đợi cho đến khi độ ẩm đã giảm xuống còn 12,5%. Thông thường, thời điểm thu hoạch phụ thuộc chủ yếu vào độ ẩm của hạt và sự sẵn có của các cơ sở hạ tầng sấy khô(3). Khi được thu hoạch bằng tay, các hạt lúa mì có thể được thu hoạch khi độ ẩm đạt 25%, 4-5 ngày trước khi hạt khô hoàn toàn (4).

Ngoại trừ độ ẩm của hạt lúa mì, nông dân có quyết định thời điểm thu hoạch dựa trên các yếu tố khác như:

  1. Điều kiện thời tiết 
  2. Nguy cơ phát tán bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các giống dễ bị bệnh bạc đầu do Fusarium. Nông dân thường quan sát tình trạng này và bắt đầu thu hoạch khi hạt đạt độ ẩm 20% (1) nếu lúa mì bị nhiễm bệnh. Trong quá trình thu hoạch, một số hạt bị nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn và bị loại bỏ bằng cách tăng luồng gió và thổi cùng với rơm ra khỏi máy gặt (5). Luôn luôn giữ các hạt bị nhiễm bệnh tách biệt với những hạt khỏe mạnh.
  3. Nguy cơ của việc đổ gãy và nảy mầm trước thu hoạch. Bắt đầu thu hoạch ở các vùng có nguy cơ cao và các giống dễ bị ảnh hưởng nhất.
  4. Sự sẵn có của nhân sự, máy móc và cơ sở hạ tầng lưu trữ và sấy khô, v.v.

Trì hoãn thu hoạch lúa mì có thể dẫn đến hạt nảy mầm, giảm chất lượng tinh bột và trọng lượng hạt (hàm lượng chất khô) và tổn thất do hạt bị vỡ trong quá trình thu hoạch bằng máy.

Lúa mì có thể được gặt bằng liềm, dùng gia súc giẫm trên sân phơi, hoặc bằng máy gặt đập liên hợp (kết hợp). Hầu hết các giống hiện đại đều chín đồng đều, giúp việc thu hoạch bằng máy dễ dàng và hiệu quả hơn về chi phí. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nông dân phun glyphosate ở giai đoạn hạt chín để tăng tốc độ khô của cây trồng (trong vòng một tuần từ lúc dùng thuốc). Tuy nhiên, phương pháp này có những nhược điểm nghiêm trọng và không nên áp dụng. Một kỹ thuật khác được sử dụng rất nhiều trong quá khứ là gặt phơi theo dải, vì có nguy cơ hạt bị nảy mầm trước thu hoạch cao nên đã bị hạn chế áp dụng (6).  

Nói chung, tốt nhất là bắt đầu thu hoạch vào buổi sáng và không nên thu hoạch sau mưa. Do nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và sự hoạt động của máy móc dẫn đến nguy cơ cháy. Phải rất cẩn thận và có các biện pháp phòng ngừa. 

Xử lý hạt lúa mì sau thu hoạch

Để lưu trữ an toàn và lâu dài, hạt lúa mì cần độ ẩm dưới 12%, lý tưởng là 10%. Khi các hạt được lưu trữ trong túi, độ ẩm thậm chí còn ít hơn, gần 9% (7).

Có hai loại máy sấy hạt chính:

  • Máy sấy sử dụng không khí nhiệt ở nhiệt độ lớn hơn 38oC (100 oF). Đây là một quá trình nhanh và phù hợp hơn khi thu hoạch hạt có độ ẩm cao.
  • Máy sấy bằng không khí tự nhiên và nhiệt độ thấp. Các hạt được sấy khô chậm trong kho với thời gian 3-6 tuần. Bằng phương pháp này, các hạt khô có trọng lượng cao hơn, dễ nảy mầm và ít vỡ hơn (8).

Lưu trữ

Có nhiều cách lưu trữ khác nhau như silo kín khí, silo không kín, túi lưu trữ hạt và nhà kho lưu trữ hạt. Bạn nên biết các ưu điểm và nhược điểm của mỗi cách lưu trữ lúa mì trước khi đưa ra quyết định. Trong trường hợp quyết định lưu trữ hạt lúa mì và muốn giảm nguy cơ tổn thất do sự thất thoát lúa mì, nông dân hoặc người quản lý silo nên làm theo các bước cụ thể sau:

→ Silo (thùng lưu trữ) phải đáp ứng các thông số kỹ thuật nhất định. 

Bạn có thể xây dựng, mua hoặc thuê một silo lưu trữ thích hợp. Sàn silo nên được lát trơn láng, sạch sẽ, khô và cách ẩm. Thoáng khí cũng cần thiết. Bạn phải giữ khu vực xung quanh các thùng chứa (bán kính 3 mét hoặc 10 feet) sạch sẽ, không có ngũ cốc hoặc cây trồng khác (9). Các silo nên được làm sạch hoàn toàn và vệ sinh trước khi cho hạt mới vào. Nên kiểm tra các vết nứt hoặc hạt ngũ cốc cũ (như bụi hoặc sàn hư hỏng) trong silo một cách cẩn thận. Đừng quên làm sạch lỗ thông hơi và sửa chữa bất kỳ vết nứt hoặc lỗ hổng nào trong thùng. Ngoài ra, có thể phun thuốc trừ sâu được chứng nhận (lưu dẫn) trên sàn và các bức tường của silo trước khi lưu trữ lúa mì mới. Nên tham khảo ý kiến của cán bộ nông nghiệp tại địa phương. 

→ Chỉ lưu trữ các hạt khỏe mạnh trong silo

Độ ẩm và nhiệt độ lưu trữ hạt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thời gian lưu trữ.

→ Bảo vệ hóa học

Từ thời điểm thu hoạch, nông dân có thể áp dụng các hóa chất bảo vệ với các hợp chất hoạt động sau: Pirimiphos-methyl, (s)-methoprene (10). Nên tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp tại địa phương. Nếu cần, hạt có thể được xử lý bằng bột chống côn trùng được chứng nhận. Thông thường, nên thực hiện các phương pháp xử lý như trên trước khi cho hạt vào thùng lưu trữ, và như vậy, hạt có thể được lưu trữ hơn một năm. Nếu các hạt được lưu trữ ở những khu vực có nhiệt độ và độ ẩm cao, việc sử dụng chất bảo vệ hạt rất quan trọng, đôi khi sau đó cần che phủ (che phủ bên trên đống hạt)

Để bảo vệ kho lưu trữ khỏi sâu bệnh, thông thường việc khử trùng và giữ cho căn phòng được kín trong 24 giờ. Kỹ thuật này là phù hợp nhất và chỉ được áp dụng với kho lưu trữ kín khí để tránh sự phát triển của các côn trùng kháng phốt phát. Đối với việc kiểm soát loài gặm nhấm như chuột, sử dụng kẽm phosphide rất hiệu quả. Một số chất khử trùng hạt thông thường là phosphine, sulfuryl fluoride và dichlorvos. Các sản phẩm có các hoạt chất như trên có thể kiểm soát quần thể sâu bệnh hại (tất cả các giai đoạn tăng trưởng) ở các loại ngũ cốc đã bị nhiễm bệnh. Một số chất bảo vệ hạt thông thường là pirimiphos-methyl, fenitrothion, chlorpyrifos-methyl, methoprene và deltamethrin (7).

Tùy thuộc vào hóa chất mà nông dân sử dụng, nên làm theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm và tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp. 

→ Kiểm tra thường xuyên

Việc kéo dài thời gian bảo quản hạt giống đã thu hoạch tại trang trại làm tăng nguy cơ thất thoát sau thu hoạch do mầm bệnh (nấm mốc), loài gặm nhấm và sâu bệnh, ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa đã thực hiện trước đó. Khi nhiệt độ bên trong silo trên 13-15,5 oC (55-60 oF) thì việc kiểm tra nên được thực hiện thường xuyên hơn (khoảng một lần một tuần), còn khi nhiệt độ dưới 13 oC (55 oF) thì việc kiểm tra có thể được thực hiện mỗi 2 tuần (9). Ngoại trừ việc kiểm tra bằng mắt, nông dân nên lấy các mẫu đại diện từ các kho lưu trữ để kiểm tra xem chúng có bị côn trùng phá hoại và nhiễm nấm hay không. Lưu ý khi nhiệt độ thấp, nên lấy mẫu từ giữa đống, là nơi có nhiều khả năng để tìm thấy côn trùng tại thời điểm đó. Kết hợp với việc lấy mẫu, nông dân có thể sử dụng bẫy thăm dò để theo dõi loài và số lượng côn trùng trong kho lưu trữ.

Kiểm tra chất lượng

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại chất lượng hạt và xác định mục đích sử dụng cuối cùng của hạt đã thu hoạch, việc thực hiện kiểm tra chất lượng là cần thiết (5). Các thử nghiệm sẽ tập trung vào những yếu tố sau:

  • Hàm lượng đạm
  • Chất lượng đạm
  • Trị số rơi (alpha-amylase trong hạt lúa mì)
  • Tạp chất (Sàng lọc)
  • Độ cứng
  • Độ ẩm
  • Trọng lượng: Bằng cách xác định khối lượng của 100 lít hạt ngũ cốc, người xay xát có thể dự đoán tỉ lệ bột thu được

Như đã đề cập, chất lượng hạt bị ảnh hưởng nhiều bởi các điều kiện xử lý và bảo quản sau thu hoạch cũng như các biện pháp canh tác trong suốt thời gian trồng lúa mì. Để đạt được tiêu chuẩn của thị trường, nông dân cần thực hiện mọi biện pháp cần thiết và hiểu được tác động của từng biện pháp tới đặc tính chất lượng hạt. 

Thông tin, lịch sử và giá trị dinh dưỡng của lúa mì

Những nguyên tắc lựa chọn giống lúa mì tốt nhất

Chuẩn bị đất , yêu cầu về đất và yêu cầu về gieo hạt lúa mì

Yêu cầu và phương pháp tưới lúa mì

Yêu cầu phân bón của lúa mì

Sâu hại và bệnh hại trên cây lúa mì

Năng suất – Thu hoạch – Bảo quản lúa mì

Kiểm soát cỏ dại trong canh tác lúa mì

 

Người giới thiệu

  1. https://www.canr.msu.edu/wheat/uploads/files/Wheat-101-report-2021-final%20-%20web.pdf
  2. https://extension.umn.edu/small-grains-harvest-and-storage/managing-wheat-harvest
  3. https://www.sepwa.org.au/phocadownload/projects/high_moisture/highmoisturebookfinal.pdf
  4. https://iiwbr.icar.gov.in/wp-content/uploads/2018/02/EB-52-Wheat-Cultivation-in-India-Pocket-Guide.pdf
  5. https://grdc.com.au/resources-and-publications/grownotes/crop-agronomy
  6. https://extension.umn.edu/small-grains-harvest-and-storage/
  7. https://grdc.com.au/resources-and-publications/grownotes/
  8. https://extension.umn.edu/small-grains-harvest-and-storage/drying-wheat-and-barley#adding-heat-1407512
  9. https://site.extension.uga.edu/applingcrop/2019/08/protecting-stored-corn/
  10. https://ipm.missouri.edu/cropPest/2014/10/Insect-Management-Recommendations-for-On-Farm-Stored-Grain/

He, Z., Joshi, A. K., & Zhang, W. (2013). Climate vulnerabilities and wheat production.

CÁC ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

Chúng tôi kết hợp với các tổ chức phi chính phủ (N.G.O.s), Trường Đại Học và nhiều tổ chức khác để hoàn thành sứ mệnh chung là mang đến khả năng phát triển bền vững và thịnh vượng cho con người.